Tiểu đường, cao huyết áp, một số bệnh lý nhiễm trùng, ong đốt, rắn cắn, ngộ độc mật cá trắm cỏ… là những nguyên nhân có thể gây ảnh hưởng chức năng của thận.

Tiến sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Bách, khoa Thận – Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, thận có chức năng quan trọng trong việc lọc sạch máu, điều chỉnh lượng nước cho cơ thể với mục đích giúp cơ thể duy trì tình trạng không thừa và không thiếu nước. Bên cạnh đó, thận đóng vai trò điều chỉnh các ion quan trọng như natri, kali, giúp cơ thể có một tình trạng ổn định về các ion này. Ngoài ra, thận còn tham gia tạo máu, tham gia điều hòa ổn định huyết áp, giúp chuyển hóa xương.

Theo bác sĩ Bách, một số nguyên nhân sau thường gặp gây suy thận:

Tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở các nước đã phát triển và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Ngoài ra, tiểu đường còn gây nhiều biến chứng lên các hệ cơ quan khác như tim mạch, mắt, thần kinh… Số người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng thì tỷ lệ người tiểu đường có biến chứng thận (suy thận) ngày càng tăng cao.

Huyết áp cao nếu không được kiểm soát, điều trị tốt sẽ gây biến chứng suy thận. Đầu tiên sẽ gây ra tiểu đạm (đạm niệu), sau đó sẽ gây ra suy thận.

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận.
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Ảnh minh họa: nps.org

Một số thuốc có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp. Việc sử dụng các thuốc này cần được thông tin, kê đơn của bác sĩ. Dưới đây là một số thuốc thường gặp có thể gây ngộ độc cho thận:

– Thuốc kháng viêm không steroid

– Kháng sinh nhóm aminoglycoside

– Thuốc kháng lao

– Thuốc, hóa chất điều trị ung thư

– Thuốc cản quang

– Một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc…

Một số bệnh thận – niệu là nguyên nhân gây suy thận. Các bệnh như sỏi thận, trướng nước thận, viêm bể thận… nếu không điều trị tốt sẽ ảnh hưởng chức năng cơ quan này, dần dần gây biến chứng suy thận mạn. Các bệnh lý như hội chứng thận hư, viêm cầu thận không được điều trị tốt cũng sẽ gây suy thận

Một số bệnh lý nhiễm  trùng có thể gây biến chứng và suy thận. Thí dụ viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu, nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn có độc lực cao có thể gây sốc nhiễm khuẩn và suy thận cấp.

Một số chấn thương nặng, gây dập nát cơ có thể gây suy thận cấp tính

Ong đốt, rắn cắn, ngộ độc mật cá trắm cỏ… vẫn còn là các nguyên nhân gây suy thận cấp ở một số vùng nông thôn ở nước ta.

Tuổi càng cao, chức năng của thận càng giảm. Vì vậy khi có một yếu tố tác động vào cũng dễ xảy ra suy thận.

Lối sống có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng của thận như việc ăn quá nhiều muối, đường, chất đạm, chất mỡ hoặc ăn ít rau quả, ít vận động, stress. Các yếu tố như thuốc lá, thực phẩm, nước, môi trường…cũng ảnh hưởng nhiều đến thận

Các biện pháp phòng ngừa suy giảm chức năng thận

– Nếu người bệnh có bệnh tiểu đường cần điều trị tốt đường máu ở mức bình thường và thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu

– Điều trị tốt bệnh lý tăng huyết áp, tăng mỡ máu

– Không hút thuốc lá. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng hút thuốc lá là một yếu tố gây ra tiểu đạm làm tổn thương thận.

– Không uống nhiều rượu

– Nên ăn các thức ăn có lợi như ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả. Một số loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây, củ hành, tiêu, chanh, gừng…

– Cần uống nước đúng cách, uống đủ nước, khoảng 2-3 lít một ngày tùy mức vận động, thời tiết

– Tập thể dục đều đặn

– Không tự ý dùng thuốc bừa bãi

– Dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể men chuyển

– Khám bác sĩ chuyên khoa thận học định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Khi khám thận cần chú ý kiểm tra huyết áp, nước tiểu, xét nghiệm máu…