Thành viên mới đến đem theo niềm hạnh phúc nhưng không ít áp lực với những cặp vợ chồng “son”, việc trang bị kiến thức để giúp thiên thần và bố mẹ trẻ thích nghi một cách tích cực nhất là điều rất cần thiết.
Sau chín tháng bầu bí, hồi hộp chờ đợi đứa con ra đời, bạn đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc sống với thành viên mới trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là những phiền toái do chưa trang bị đầy đủ kiến thức để chăm sóc em bé vừa đến với thế giới.
Để giúp hai vợ chồng trẻ chưa làm bố mẹ bao giờ, Nhật ký bé xin đưa ra một vài lời khuyên giúp các bạn tự tin hơn trong việc chăm sóc em bé.
1. Nhờ sự giúp đỡ
Hai vợ chồng trẻ rất thiếu hụt kiến thức và kỹ năng chăm sóc con nhỏ, đặc biệt trong lúc bối rối đón chào thành viên mới, bạn có thể sẽ không nghĩ được những ý tưởng sáng suốt. Vì vậy, hãy xem xét việc nhờ cậy bạn bè và người thân giúp đỡ vượt qua quãng thời gian bận rộn và áp lực.
Nếu bạn quyết định sinh con ở bệnh viện, đừng ngần ngại nhờ những chuyên gia xung quanh bạn để được họ tư vấn. Với những kiến thức cơ bản như cho con bú sữa mẹ hay nuôi con bằng sữa bình, thay tã cho bé, cách bế bé … sẽ được các chuyên gia hoặc nhân viên tư vấn cho bạn lời khuyên. Hay đơn giản như làm thế nào khi trẻ ợ hơi, khi có thay đổi về da, cử động … các y tá chính sẽ thông tin cho bạn.
Khi về nhà, trước hết nên nghĩ đến việc nhờ cậy một người thân trong gia đình cùng với bạn chăm sóc em béthời gian bạn ở cữ, lắng nghe những góp ý của người đi trước để có cách kiêng cữ sau sinh và chăm sóc bé hiệu quả nhất hoặc ngại phiền phức bạn có thể thuê người giúp việc ngắn hạn.
Thời gian sau sinh, người mẹ trẻ thường cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là trầm cảm, hãy mạnh dạn đề nghị bạn bè, hàng xóm đến trò chuyện lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc việc khách khứa đến thăm quá nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến em bé.
2. Chăm sóc, trông nom bé
Trẻ mới sinh thường rất dễ bị tổn thương, không được để trẻ ở một mình sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, luôn cần một người bên cạnh chăm nom, săn sóc. Mới sinh, da trẻ còn rất nhạy cảm, xương tay, chân, đầu, cổ của trẻ còn khá mềm vậy nên, việc chăm sóc trẻ cũng cần chú ý một số điều.
– Cần rửa tay sạch sẽ (hoặc dùng thuốc khử trùng tay) trước khi bế bé, để tránh bị nhiễm trùng do hệ thốngmiễn dịch của trẻ vẫn chưa có.
– Xương trẻ còn mềm và yếu, vậy khi bế bé lên hoặc đặt bé xuống chú ý luôn nâng, đỡ đầu bé một cách nhẹ nhàng và cẩn thận.
– Tránh đung đưa hay lắc bé khi bế bởi có thể sẽ gây chảy máu trong não, thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu đánh thức bé, bạn hãy cù nhẹ vào chân hoặc thổi nhẹ lên má bé.
– Khi đưa trẻ đi chơi, luôn đảm bảo con đã được giữ chắc vào ghế đẩy, nôi hay ghế xe hơi; tránh bất cứ va chạm mạnh nào tác động đến trẻ.
3. Tạo sự liên kết giữa trẻ với cha mẹ và thế giới xung quanh
Khi trẻ ra đời, tách khỏi sự bảo bọc trong bụng mẹ, trẻ sẽ rất bỡ ngỡ với thế giới xung quanh, để giúp trẻ thích nghi, bố mẹ thường xuyên ôm ấp, vỗ về, cưng nựng để trẻ thấy gần gũi.
Quá trình xây dựng sự gắn bó về thể xác cũng như tinh thần giữa bố mẹ và trẻ sơ sinh được coi như đang nuôi dưỡng tình cảm với trẻ. Đặc biệt sự liên kết bố, mẹ, trẻ sẽ góp phần vào sự phát triển tình cảm cũng như những lĩnh vực khác.
Massage cho trẻ là việc cần thiết, giúp kích thích các giác quan của trẻ, lưu thông máu, tăng cường liên kết, hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Trẻ sẽ có phản ứng tích cực với những tác động massage từ bố, mẹ, tuy nhiên, cơ thể trẻ sơ sinh chưa cứng cáp, vì vậy, chú ý massage cho bé thật nhẹ nhàng.
Cách quấn chăn đúng cách giữ ấm cho trẻ
Đặt tấm chăn của bé trên mặt phẳng, gập góc trên bên phải thành hình tam giác, đặt bé nằm sao cho cổ của bé gối trên nếp gấp. Giữ cánh tay phải của bé ép dọc thân mình, kéo phía trái của miếng chăn qua cánh tay phải và thân mình bé, để mép chăn dưới lưng và làm như thế với bên phải, chỉ để đầu và cổ trẻ thò ra ngoài. Như vậy, là bé đã đủ ấm và có thể ngủ ngon.
Trẻ thường có phản ứng rất tích cực với những âm thanh từ người khác như tiếng hát, nói chuyện. Vì vậy, để tăng thính giác và kích thích trẻ phát triển, bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con, cho con nghe nhạc du dương, đọc thơ, hát những bài hát ru khi bên cạnh bé.
4. Quấn ủ ấm cho trẻ
Trẻ sinh ra, nhiệt độ bên ngoài có sự thay đổi so với khi còn trong bụng mẹ, để tránh những bất lợi do sự đổi nhiệt gây ra mà bé chưa thích nghi kịp, bố mẹ cần quấn ủ ấm cho trẻ.
Việc quấn ủ ấm trẻ sơ sinh thế nào cho đúng cách cũng là một trong số những điều các bậc cha mẹ trẻ cần biết. Quấn chăn cho bé nên để cánh tay bé áp sát vào cơ thể, hai chân ép sát gần nhau, sẽ giữ được ấm cho cơ thể trẻ và tạo áp lực xung quanh cơ thể giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn, tránh giật mình thức giấc lúc ngủ.
Hy vọng, với những kiến thức và kinh nghiệm trên đây, bố mẹ sẽ tự tin hơn khi lần đầu chăm sóc bé và tiếp tục hoàn thiện kỹ năng nuôi dưỡng, giáo dục con trong tương lai.