Tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang thai nhi sẽ tăng cao nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ.
>>> Bà bầu ăn gì để bé da trắng, mắt sáng, tóc mượt?
– Bệnh viêm gan B lây chủ yếu qua 3 đường là đường máu, đường quan hệ tình dục và đường lây từ mẹ sang thai nhi chủ yếu qua đường âm đạo, sau khi đẻ cho trẻ bú và một phần từ nước bọt của mẹ. Chỉ có 3-10% lây qua rau thai.
Nếu mẹ mắc bệnh ở 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm siêu vi viêm gan sang con tới 60-70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Siêu vi B không gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình mang thai cũng như cho bào thai. Thai nhi vẫn phát triển bình thường không có nguy cơ bị dị dạng.
Về xét nghiệm huyết thanh học, nếu người mẹ xét nghiệm máu có HBsAg (+) và HBeAg (+) (test huyết thanh đánh giá sự nhân đôi của siêu vi) thì khả năng lây sang con tới 90%. Đứa trẻ này thường không có triệu chứng lâm sàng chứng tỏ đã có HBsAg (+) nhưng sẽ là người mang HBsAg lâu dài và sau này một số sẽ mắc ung thư gan nguyên phát hay viêm gan hoạt tính dẫn đến xơ gan. Rất hiếm khi thấy trẻ sơ sinh có mẹ mang HBsAg (+) và HBeAg (+) trong máu mà có bệnh cảnh suy gan cấp.
Như vậy, cần có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh nếu không sẽ có tới 50% số trẻ này bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan khi đến tuổi trưởng thành. Vì thế, khi trẻ ra đời đã được tiêm ngay huyết thanh kháng viêm gan B 100UI, đồng thời tiêm 3 mũi vaccin viêm gan B vào các thời điểm ngay sau đẻ, tháng thứ 2 và tháng thứ 3.
BS Thục Anh
Theo News Zing