Hỏi: “Thưa BS, con nhà tôi năm nay được 1 tuổi, cháu rất biếng ăn , tôi đưa cháu đi khám thì được biết cháu mắc bệnh ” còi xương”. Khi về nhà có nhiều người nói cho tôi biết ” Ăn xương chống được bệnh còi xương” Như vậy có đúng không? Mong bác sĩ trả lời thắc mắc của tôi.”
Trả lời:
Nước ta là một nước nhiệt đới, trừ các tháng mùa đông, còn hầu như quanh năm có ánh nắng mặt trời, nhưng trẻ em mắc còi xương rất nhiều. Cứ 10 cháu đến khám dinh dưỡng thì có tới 6-7 cháu bị còi xương, nhất là các cháu dưới 1 tuổi.
Nguyên nhân chính là do tập quán kiêng khem không cho trẻ ra ngoài trời tắm nắng trong những ngày đầu mới sinh, và có quan niệm là cho trẻ ăn xương để chống còi xương. Vậy thì ăn xương có chống được còi xương hay không?
Như khoa học đã chứng minh, thành phần cấu tạo chính của xương là canxi và phốt pho. Nhưng sau khi ninh xương lấy nước để nấu bột, nấu cháo thì hàm lượng canxi và phốt pho trong nước còn rất ít, chỉ khi ninh nhừ xương tán nhỏ thành bột thì mới có nhiều canxi.
Trẻ bị còi xương là do thiếu canxi và vitamin D (vitamin D có tác dụng tăng cường hấp thu canxi ở ruột). Vitamin D có rất ít trong thức ăn; chỉ có một lượng ít trong gan các loại cá biển và lòng đỏ trứng. Nhưng ở dưới da có chất tiền vitamin D, dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời (tia tử ngoại) sẽ chuyển thành vitamin D. Vì vậy nếu kiêng khem không cho trẻ tắm nắng (phơi nắng) thì trẻ sẽ bị thiếu vitamin D dẫn tới còi xương. Nếu vào mùa đông không có nắng thì phải cho trẻ dùng các chế phẩm thuốc có chứa vitamin D theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn các thức ăn giàu canxi như sữa, phomát, tôm, cua, cá, đậu đỏ… thì mới phòng chống được bệnh còi xương.
Như vậy muốn chống được còi xương thì phải cho trẻ tắm nắng hoặc uống vitamin D và ăn các thực phẩm giàu canxi, chứ không phải chỉ cho trẻ ăn nước xương ninh mà thôi. Các bà mẹ cũng nên tham khảo những kiến thức, thông tin khoa học về dinh dưỡng để có một chế độ ăn cho con hợp lý, giúp trẻ phát huy được sức vóc tối đa.