Sơ suất trong ba tháng đầu thai kỳ khiến nhiều thai phụ phải bỏ thai hoặc sống trong lo âu cho đến khi đứa trẻ ra đời.

Phụ nữ mang thai thường chú ý những tháng cuối thai kỳ nhất vì khi đó thai đã lớn, nặng nề và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà bầu. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu chia giai đoạn mang thai thành ba thời kỳ thì ba tháng đầu thai kỳ mới là “ưu tiên một”, cần chăm sóc đặc biệt.

Dễ bệnh do siêu vi

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TPHCM, nhấn mạnh: “Các diễn biến trong ba tháng đầu đều dễ tác động đến bào thai hơn các giai đoạn khác. Bởi lúc này thai nhi trải qua thời kỳ biệt hóa các tế bào thành mô chuyên biệt, hình thành vóc dáng, đầu, mình, tứ chi, nội tạng, hệ thống thần kinh, mạch máu… Cơ thể thai nhi lúc đó rất dễ bị tổn hại bởi các yếu tố bất lợi bên ngoài như chấn động, hóa chất, thuốc, tia xạ, nhiệt độ, ô nhiễm môi trường…”.

Trong giai đoạn đầu, thai rất dễ nhiễm các bệnh do siêu vi vì “hàng rào” nhau máu còn mong manh, virus dễ vượt qua. Sau 12 tuần tuổi, “hàng rào” này mới vững vàng và bảo vệ thai nhi tốt hơn. “Nếu thai phụ bị nhiễm Rubella trong 12 tuần đầu thai kỳ, nguy cơ dị tật ở thai lên đến hơn 90% nên thường phải bỏ thai. Trong khi đó, nếu thai đã lớn hơn 3 tháng thì thông thường chỉ cần theo dõi, hiếm khi phải chấm dứt thai kỳ bắt buộc” – bác sĩ Thông đưa ra ví dụ.

3 tháng đầu, cẩn thận mất con! - 1

Register khám thai tại Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TPHCM

Cần thư giãn, vận động nhẹ

Ba tháng đầu, vòng bụng của thai phụ còn nhỏ, nếu không phải bác sĩ chuyên khoa thì rất khó phát hiện người đó đang mang thai. Vì thế, các chuyên gia sản khoa của Bệnh viện Từ Dũ khuyên thai phụ nên chủ động thông báo với bác sĩ khi phải đi khám bệnh, uống thuốc, chụp X-quang… Nhiều thai phụ đã phải bỏ thai hoặc sống trong lo âu cho đến khi đứa trẻ ra đời do lỡ xét nghiệm, tiêm ngừa hay uống những loại thuốc chống chỉ định với thai phụ.

Sự chuyển tiếp từ một phụ nữ bình thường sang một thai phụ cũng gây ra những khó chịu nhất định như lo lắng, ốm nghén, mệt mỏi… Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Linh, chuyên khoa dinh dưỡng Trung tâm Phòng chống chấn thương và Các bệnh không lây TPHCM, nếu thai phụ bị ốm nghén, khó ăn uống, có thể khắc phục bằng việc chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Khẩu phần cũng cần tăng cường một số thành phần như đạm cần tăng thêm 10-15 g mỗi ngày (tương đương với 2 quả trứng); tăng 10% chất béo; bổ sung các loại rau quả nhiều vitamin; uống thêm các viên sắt, canxi; tăng cường các thức ăn hải sản…

Cần ngủ ít nhất 8 giờ/ngày, vận động nhẹ nhàng, thư giãn, tránh lo âu… Cũng không cần phải kiêng cữ quan hệ tình dục trong những tháng đầu thai kỳ. Sự kiêng cữ không đúng lúc sẽ không tốt thêm cho bào thai mà ngược lại, còn có thể dẫn đến stress ở thai phụ hay căng thẳng ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi.

Thường xuyên khám thai

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, 12 tuần đầu của thai kỳ là “thời gian vàng” để lên kế hoạch chăm sóc cho thai nhi, tính tuổi thai, dự sinh, can thiệp sớm trong trường hợp bà mẹ có bệnh lý… Do thai nhi còn non nớt nên việc thăm khám và theo dõi cần thực hiện thường xuyên, nhất là ở người mang thai lần đầu, ít kinh nghiệm chăm sóc thai. Ngoài ra, nếu đã quan hệ tình dục mà không có các biện pháp phòng tránh đủ an toàn, phụ nữ phải nghĩ đến khả năng mang thai để có kế hoạch chăm sóc phù hợp ngay khi vừa biết mình mang thai cũng như kịp thời cân nhắc khi cần chăm sóc y tế.