Trẻ dưới một tuổi có vài giai đoạn thụt lùi về giấc ngủ, lúc 3-4 tháng, 8-10 tháng và 12 tháng.
(Tinh yeu gioi tinh) – So với lúc mới sinh, khi bé 2-3 tháng tuổi, bố mẹ sẽ cảm thấy bớt stress hơn về vấn đề giấc ngủ của trẻ. Lúc này, giấc ngủ của trẻ đã dần hình thành. Tuy nhiên, hầu như bé nào cũng sẽ trải qua giai đoạn khó ngủ, thức giấc vào ban đêm khi mọc răng hay thay đổi thói quen, chuyển đổi giữa các thời kỳ (từ biết lẫy chuyển sang biết bò…). Nếu có thể phán đoán lý do khiến trẻ khó ngủ, bố mẹ sẽ biết cách chăm sóc bé tốt hơn. Dưới đây là một số lý do phổ biến.
1. Thụt lùi về giấc ngủ (Sleep regression)
Thời điểm: Khi trẻ 3-4 tháng, lặp lại lúc trẻ 8-10 tháng và 12 tháng.
Cách xử lý: Biểu hiện của bé là hay thức giấc giữa đêm, khóc lóc hoặc không nhưng thường khó ngủ ngon, hay giật mình. Ban ngày ngủ ít hoặc bỏ giấc. Giai đoạn 3-4 tháng, 8-10 tháng và 12 tháng, bé có nhiều bước ngoặt trong phát triển thể chất, trí tuệ nên biểu hiện như trên là điều bình thường. Bố mẹ chẳng thể làm gì được ngoài việc “chịu đựng” cho thời gian qua đi.
Tuy nhiên, để giảm bớt sự khó chịu của bé, bố mẹ có thể massage nhẹ nhàng, tắm nước nóng cho bé trước khi đi ngủ. Bố mẹ nên ôm ấp, vỗ về bé nhiều hơn và mẹ cho bé bú để giúp bé cảm thấy an toàn, thoải mái. Nhưng nếu bé đã được 6 tháng mà vẫn khó ngủ thì bố mẹ nên nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ hoặc áp dụng phương pháp luyện con tự ngủ (Cry it out – Cứ để bé khóc).
2. Thói quen bú đêm
Thời điểm: 2-3 tháng và kéo dài.
Cách xử lý: Hầu hết các bé 2-3 tháng tuổi đều có nhu cầu bú đêm 1-2 cữ và cá biệt có những bé bú lắt nhắt cả đêm. Một số mẹ giảm cữ bú đêm bằng cách tăng lượng sữa trước khi đi ngủ cho bé và đảm bảo bé được bú đầy đủ các cữ ban ngày, sau đó từ từ kéo dài thời gian giữa các cữ bú vào ban đêm.
Từ 6 tháng tuổi trở lên, bé hầu như không cần bú đêm nữa nhưng vẫn có thể tỉnh giấc vào giữa đêm và quấy khóc. Lúc đầu, đó có thể là do thói quen trước đây bé thường dậy để bú đêm và giờ chưa chuyển hằn sang nếp ngủ mới. Một số bé có thể tự ngủ sau khi tỉnh dậy nhưng số khác lại cần bố mẹ bế lên vỗ về (nhưng không bế lâu dễ khiến trẻ có thói quen không tốt). Đây là thời điểm tốt để bố mẹ rèn cho bé tự ngủ.
3. Đau khi mọc răng
Thời điểm: Bất kỳ lúc nào trong giai đoạn từ 3-12 tháng.
Cách xử lý: Không gì hiệu quả hơn việc ôm ấp, vỗ về bé. Ngay cả với những bé đã được bố mẹ tập cho thói quen tự ngủ thành công thì ở lúc này, sự có mặt của bố mẹ cũng sẽ giúp bé cảm thấy yên tâm hơn. Nếu bé bị đau nhiều, bố mẹ có thể sử dụng các loại kem bôi giảm đau khi mọc răng hoặc chườm một chiếc khăn lạnh lên chỗ lợi phồng rộp cũng giúp bé dễ chịu.
4. Thay đổi giờ giấc ngủ
Thời điểm: Bắt đầu khi bé khoảng 5 tháng tuổi.
Cách xử lý: Bé càng lớn lên thì các giấc ngủ ngắn càng giàm đi. Bé một tuổi thường chỉ có hai giấc ngủ ngắn mỗi ngày (buổi sáng và buổi trưa). Nhưng như thế sẽ giúp bé có giấc ngủ đêm dài hơn, ngon hơn. Bố mẹ cần tạo môi trường thuận lợi để bé hình thành nếp ngủ mới, có lợi. Ví dụ, trước khi đi ngủ, bố mẹ cho bé nghe nhạc nhẹ nhàng, bật đèn ngủ hoặc đọc truyện cho bé nghe. Lời khuyên cho bố mẹ lúc này là hãy kiên nhẫn.
5. Thức dậy sớm
Thời điểm: Dưới 6 tháng tuổi (hoặc bất kỳ thời điểm nào).
Cách xử lý: Nếu bé của bạn dưới 6 tháng tuổi và thường xuyên dậy sớm hơn cả ông mặt trời thì bạn có thể áp dụng cách “chiêu” sau đây để kéo dài thời gian ngủ cho bé:
– Giữ ánh sáng của phòng dịu nhẹ: Không nên mở cửa sổ hoặc để đèn quá sáng sẽ làm bé tỉnh giấc hẳn.
– Giữ phòng ngủ yên tĩnh: Nếu nhà ở gần đường, bố mẹ nên đóng cửa kính để ngăn âm thanh của xe cộ lọt vào phòng ngủ.
– Ăn sáng muộn hơn: Bố mẹ có thể thay đổi giờ cho bé ăn bữa sáng muộn hơn nhưng thực hiện từ từ để tránh việc bé khóc nhiều vì đói.
Theo: Sức khỏe/Doc bao phap luat