Ung thư vú không chỉ gặp riêng ở nữ giới
Ung thư vú có thể gặp ở cả nữ giới và nam giới. Tuy nhiên tỷ lệ gặp ung thư vú ở nam giới thấp hơn rất nhiều so với ở nữ giới. Trung bình cứ 100 ca ung thư vú được chẩn đoán, thì chỉ có 1 ca xảy ra ở nam giới.
Nguyên nhân gây ung thư vú
Bệnh ung thư vú sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Có nhiều lý do mà cơ thể có các đột biến gen, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống.
Di truyền: Có khoảng 5-7% các trường hợp ung thư vú do các đột biến gen. Các đột biến gen BRCA1/2 di truyền này, gặp cả ở nữ giới và nam giới, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số ung thư khác.Môi trường: Những tác nhân từ môi trường như tia tử ngoại, tia X, hóa chất, khói xe, vi sinh vật…được gọi là các tác nhân sinh ung và được chứng minh có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Những tác nhân này làm cho các gen dễ bị đứt gãy trong quá trình sao chép, là điều kiện để các đột biến xuất hiện.
Lối sống: Ung thư vú có liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu, hút thuốc và ít vận động. Do các tế bào tuyến vú hoạt động phụ thuộc vào nội tiết tố estrogen, nên các nguyên nhân làm tăng estrogen có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu bia, sử dụng liệu pháp hormone estrogen thay thế…làm cơ thể phơi nhiễm với estrogen nhiều hơn và do đó kích thích tế bào tuyến vú tăng sinh – một điều kiện để các đột biến sinh ung xuất hiện. Thừa cân và ít vận động còn có liên quan đến tăng nguy cơ tái phát ở những người đã mắc ung thư vú.
Một số biểu hiện triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân ung thư vú:
- Chảy dịch núm vú, đặc biệt là dịch máu.
- Co rút da vú, tụt núm vú.
- Thay đổi màu da vú.
- Đau vú nhưng không thường xuyên.
Ung thư vú rất ít triệu chứng điển hình đặc biệt là ở giai đoạn sớm, do vậy, phụ nữ cần tự khám vú thường xuyên, thực hiện tầm soát ung thư vú định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh nhằm can thiệp điều trị kịp thời.
Ung thư vú có mấy giai đoạn?
Ung thư vú được chia làm 5 giai đoạn (từ 0 đến 4) với mức độ nghiêm trọng tăng dần, việc phân loại dựa vào kích thước khối u, di căn hạch nách và di căn xa. Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối, khi khối u đã di căn xa đến các cơ quan khác như xương, phổi, não, gan,…
- Giai đoạn 0: ung thư biểu mô nội ống, ung thư tiểu thùy tại chỗ, hoặc bệnh Paget của núm vú nhưng không có u, không có di căn tới hạch vùng và không có di căn xa.
- Giai đoạn 1: khối u có kích thước nhỏ dưới 2cm, không có hạch vùng, không có di căn xa.
- Giai đoạn 2: trên lâm sàng có thể chia thành giai đoạn IIA và IIB, khối u có kích thước lớn hơn giai đoạn 1, có thể xuất hiện hạch nách nhưng hạch di động, không dính nhau hoặc dính tổ chức.
- Giai đoạn 3: kích thước khối u lớn, có xâm lấn tổ chức, hoặc có di căn vào hạch nách, hạch nách dính nhau hoặc dính vào các tổ chức lân cận.
- Giai đoạn 4: bất kể kích thước nào và có xâm lấn hay không, nếu bệnh nhân đã có di căn xa bao gồm di căn hạch thượng đòn cùng bên đều được xếp vào giai đoạn 4
Fulvestrant là thuốc gì ? Thuốc Faslodex là thuốc điều trị ung thư vú tiến triển tại chỗ hoặc di căn rất hiệu quả.
Bệnh nhân ung thư vú nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân ung thư vú. Trong tất cả các giai đoạn, bệnh nhân đều cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau củ quả, cung cấp nhiều chất xơ, khoáng chất, vitamin cho cơ thể.
Bệnh nhân ung thư vú nên ăn nhiều chất xơ, khoáng chất, vitamin cho cơ thể.
Nếu bệnh nhân đang trong đợt điều trị, cơ thể yếu có thể nuôi qua truyền tĩnh mạch cho đến khi bệnh nhân hồi phục có thể tự ăn. Chế độ ăn sau mỗi đợt điều trị cần đầy đủ dinh dưỡng và đa dạng để giúp bệnh nhân nhanh hồi phục. Một số lưu ý về chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn hồi phục:
- Nâng đỡ dần hệ tiêu hóa của cơ thể sau khi phẫu thuật hoặc điều trị hóa chất, xạ trị, cho ăn đồ ăn dễ tiêu hóa trước, sau đó mới bổ sung nguồn đạm thịt, cá.
- Ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung đủ đạm, tuy nhiên nên hạn chế các loại thịt đỏ (ví dụ thịt bò), thay vào đó nên bổ sung từ cá, thịt trắng, sữa.
- Nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt kể cả đậu nành, trái cây, rau củ.
- Bổ sung đủ khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể.