Sốt phát ban là một trong những bệnh mà trẻ em thường hay mắc phải. Khi trẻ bị sốt phát ban thì xuất hiện những vết nổi lên sau cơn sốt có màu hồng. Sốt phát ban được gọi dựa theo quá trình tiến triển của bệnh, tức là sau cơn sốt kéo dài từ 2 – 3 ngày thân của các bé bắt đâù nổi ban lên.
Hầu hết trẻ em đều bị sốt phát ban ít nhất một lần. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sức đề kháng của từng trẻ, có trẻ bị rất nhẹ, có trẻ thì bị nặng hơn với đầy đủ những triệu chứng, bao gồm cả co giật khi cơn sốt quá cao và đột ngột.
Triệu chứng
Thông thường, thời gian ủ bệnh, tức từ lúc tiếp xúc với siêu vi gây bệnh cho tới lúc có triệu chứng, là 1 tới 2 tuần. Triệu chứng gồm có:
- Sốt: Thường cơn sốt đến bất thình lình và cao, hơn 103 độ F (39,5 độ C). Em bé có thể bị đau cổ họng nhẹ hoặc hơi sổ mũi. Ngoài ra, em cũng có thể bị sưng hạch ở cổ. Cơn sốt thường kéo dài từ 3 tới 7 ngày.
- Nổi đỏ: Sau khi hết sốt, các em thường bị nổi đỏ, cũng có em không bị. Ban đỏ này thường gồm những điểm hay những mảng nhỏ mầu hồng. Những vết này thường phẳng nhưng cũng có thể hơi nổi cộm. Chung quanh những vết này có thể có một quầng trắng. Ban thường nổi lên ở ngực, sau lưng, bụng và sau đó lan tới cổ và cánh tay, có thể lan tới chân và mặt. Ban thường không ngứa hay làm khó chịu và có thể kéo dài vài giờ tới vài ngày.
- Các triệu chứng khác gồm có mệt mỏi, khó chịu, tiêu chảy nhẹ, kém ăn, mí mắt sưng…
Nguyên nhân
Nguyên nhân thông thường nhất là con siêu vi human herpes 6 (HHV6). Nhưng bệnh này cũng có thể do con human herpes 7 (HHV7) gây ra. Những con siêu vi này có liên hệ tới những con siêu vi gây ra bệnh lở miệng cold sore và bệnh herpes ở bộ phận sinh dục.
Biến chứng
Trẻ có thể bị giật kinh nếu nhiệt độ tăng nhanh bất thình lình. Nếu bị giựt kinh, em sẽ bất tỉnh, tay chân giựt, mắt trợn lên khoảng vài phút. Nên cho em đi khám bệnh ngay. Nhưng cũng may mắn là chứng giựt kinh do sốt cao thường không gây ra tai hại gì cho em cả.
Sốt phát ban ít khi gây ra biến chứng nào đáng kể. Nếu không có bệnh gì khác, thường là trẻ em và người lớn bị sốt phát ban sẽ bình phục nhanh chóng.
Tuy nhiên, những người có hệ miễn nhiễm bị yếu đi, thí dụ như những bệnh nhân sau khi được ghép tủy hay cơ quan khác, có thể mắc bệnh sốt phát ban mới hay bị bệnh cũ tái phát. Trường hợp này, họ sẽ bị nặng hơn và lâu bình phục hơn. Họ cũng có thể bị biến chứng sưng phổi hay viêm não, rất nguy hiểm.
Ngăn ngừa bệnh
Không có thuốc chích ngừa bệnh sốt phát ban. Do đó, cách tốt nhất để con bạn không bị bệnh là tránh tiếp xúc với một em bé đang bị. Nếu con bạn đang bị bệnh, nên giữ em ở nhà, cách xa các trẻ em khác.
Đa số chúng ta đều đã có kháng thể chống bệnh vào tuổi bắt đầu đi học, khiến tránh được bệnh lần thứ nhì. Nhưng dù vậy, khi trong nhà có người bị bệnh này, cả nhà nên rửa tay kỹ thường xuyên để tránh lây lan bệnh cho những người chưa bị.
Người lớn nào lúc nhỏ chưa bị thì có thể bị lây bệnh nhưng thường chỉ bị nhẹ thôi, tuy họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
Tự chăm sóc
Thường thì chúng ta không cần làm gì cả, chỉ chờ cho hết bệnh. Tuy nhiên, sốt cao có thể làm cho em bé khó chịu, cha mẹ có thể cho em uống thuốc acetaminophen (Tylenol) hay ibuprofen (Advil, Motrin..) để giảm bớt sốt. Không nên cho em uống aspirin vì có thể làm em dễ bị chứng Reye’s syndrome là một bệnh nặng. Nên cho em bé uống nhiều nước, nằm nghỉ.
Chú ý: Sốt phát ban có thể gây ra sốt rất cao, hơn 103 độ F.’ Khi thấy bé sốt cao vậy, các mẹ nên gọi bác sĩ để bác sĩ thăm khám cho bé để tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị kịp thời. Hoặc trường hợp, trẻ bị sốt quá 7 ngày hoặc ban kéo dài quá 3 ngày, cũng nên gọi bác sĩ.