Giang mai là bệnh nhiễm trùng bị lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét giang mai trên cơ thể người bệnh mang vi khuẩn Treponema pallidum.

Các vết loét không đau, thường phát triển trên bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo, hậu môn, môi và lưỡi, và có thể xuất hiện từ 10 đến 90 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh.

DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG

Theo hội đồng chăm sóc y tế Singapore, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giang mai khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh:

Giai đoạn 1:

Ở vị trí tiếp xúc với vi khuẩn, bệnh xuất hiện những vết loét cứng, nhỏ, không đau. Các vết loét này tồn tại kéo dài từ 3-6 tuần trong giai đoạn 1, sau đó sẽ tự lành mà không cần điều trị.

Giai đoạn 2:

Xuất hiện nốt phát ban ráp, màu nâu đỏ trên khắp cơ thể bao gồm cả lòng bàn tay, lòng bàn chân. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sốt, nổi hạch, đau họng, rụng tóc từng mảng, đau đầu, sụt cân, đau cơ và mệt mỏi.

Giai đoạn ủ bệnh:

Nếu bệnh giang mai không được điều trị trong giai đoạn 2, mặc dù các vết loét tự khỏi nhưng vi khuẩn đã đi vào máu và vẫn tồn tại trong cơ thể, có thể tiềm ẩn trong nhiều năm.

Giai đoạn 3 (giai đoạn cuối):

Trong giai đoạn cuối của bệnh giang mai, bệnh có thể phá hủy các cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, mạch máu, não, thần kinh, mắt, gan, xương và khớp. Người bệnh có thể bị các biến chứng như viêm màng não, đột quỵ, mất trí nhớ và đau tim với những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

CÁC BIẾN CHỨNG

Người bị bệnh giang mai có nguy cơ lây nhiễm HIV cao qua các vết loét hở. Phụ nữ mang thai dễ bị sẩy thai, thai chết lưu và sinh non. Ngoài ra, mẹ nhiễm bệnh có thể truyền bệnh cho em bé trong khi mang thai, gây dị tật bẩm sinh như chậm phát triển trí não hoặc động kinh.

ĐIỀU TRỊ

Bệnh giang mai được điều trị bằng thuốc kháng sinh và có thể trị khỏi hoàn toàn nếu được chữa trị kịp thời trong những giai đoạn đầu.

Các thông tin trên mang tính chất tham khảo chung, bạn vẫn cần chú ý đến lời khuyên của bác sĩ cho trường hợp riêng của bạn nhé.